I/Sốc văn hóa là gì?
Sốc văn hóa là một trạng thái cảm xúc thường xảy ra khi một du học sinh đến một quốc gia mới với những giá trị văn hóa và thói quen khác biệt hoàn toàn so với quê hương của mình. Bạn có thể gặp phải tình trạng sốc văn hóa khi không thể thích nghi kịp với môi trường ở nước sở tại và điều này làm bạn cảm thấy mệt mỏi, lo lắng và buồn chán, thậm chí nó có thể tác động tiêu cực đến toàn bộ quá trình học tập của bạn. Tuy nhiên, sốc văn hóa có thể được giảm thiểu bằng cách chuẩn bị sẵn sàng tâm lý trước khi du học, tự tin và cởi mở hơn để hòa nhập với nền văn hóa nước ngoài. Việc thích nghi với văn hóa mới và học tập trong môi trường mới sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực từ phía bạn.
II/Biểu hiện của sốc văn hóa
Việc học tập và sống trong môi trường mới có thể đem lại cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời, nhưng cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Chính vì quá nhiều thứ cần quan tâm mà vô tình những biểu hiện nhỏ của việc sốc văn hóa bị bỏ qua. Nhiều người vẫn không biết mình bị sốc văn hóa và cố gắng với một tinh thần mục rỗng. Vì vậy dưới đây là một số biểu hiện của việc sốc văn hóa để bạn có thể tham khảo và nhận ra vấn đề của mình:
1.Mệt mỏi, lo lắng, cảm giác bị cô lập
Bắt đầu ở một đất nước mới, nơi mọi thứ đều xa lạ và khác biệt với những gì đã quen có thể khiến bạn mất phương hướng và choáng ngợp. Ngay cả khi đã nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa của quốc gia sở tại vẫn có thể bị sốc văn hóa. Sự khác biệt về ngôn ngữ có thể khiến việc giao tiếp với người dân địa phương trở nên khó khăn, dẫn đến cảm giác bị cô lập và thất vọng. Điều đó dẫn đến việc, mặc dù đã ăn uống, ngủ đủ giấc và thậm chí tập thể dục, nhưng bạn vẫn cảm thấy rất mệt mỏi.
Tuy mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của sốc văn hóa nhưng đây lại là một trong những biểu hiện ít được nhận ra nhất. Du học sinh có thể bị chủ quan hoặc không nhận ra triệu chứng này vì nó có thể đến từ từ hoặc bị nhầm lẫn với các bệnh khác.
2.Dễ cáu kỉnh, khó chịu
Chính vì lo lắng kéo dài sẽ dễ khiến du học sinh lâm vào tình trạng cảm xúc bị dồn nén và có thể bộc phát bất cứ lúc nào. Những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể khiến bạn phát điên và đôi khi hét lên vì bực bội.
3.Nhớ nhà
Nhớ nhà cũng là một biểu hiện phổ biến của sốc văn hóa. Xa bạn bè và gia đình có thể là một thách thức, đặc biệt đối với những người chưa bao giờ xa nhà trước đây. Khi đến một quốc gia mới, sinh viên phải tự lập và không có sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè. Du học sinh có thể cảm thấy khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống mới và cảm thấy bản thân bị cô lập với thế giới xung quanh. Điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy cô đơn và không thể tìm thấy một nơi để gọi là nhà. Bạn sẽ nhớ gia đình và bạn bè của mình ở quê và muốn được trở lại với nơi quen thuộc gọi là nhà.
4.Cảm xúc tiêu cực đối với nền văn hóa nước sở tại
Mọi quốc gia đều sẽ có nét văn hóa riêng nhưng những cái đặc trưng đó sẽ khiến một số du học sinh cảm thấy không phù hợp, thoải mái. Chỉ khi bắt đầu vào cuộc sống thật sự thì chúng ta mới thấy được mặt trái và những thứ không giống với mình tưởng tượng. Sự cô đơn, xa lánh, không thể hòa nhập được với môi trường sống càng khiến du học sinh thu mình lại, gây ra các cảm xúc tiêu cực với nước sở tại. Nền văn hóa từng khiến bạn say mê giờ đây lại chính là thứ làm ta chán ghét.
5.Cảm thấy mất kiểm soát
Một số du học sinh có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với nền văn hóa mới. Đây là nguyên nhân khiến cho bạn thu mình lại với mọi thứ xung quanh để bảo vệ bản thân. Mọi thứ cảm xúc sẽ trở nên trầm trọng hơn và bạn không có động lực để làm việc, ăn uống và ngủ mất kiểm soát, khóc không rõ nguyên nhân, dễ bị tổn thương. Bạn cũng có thể nhận thấy các vấn đề về thể chất liên quan đến căng thẳng hoặc lo lắng và có thể không kiểm soát môi trường của mình.
III/ Những cách để vượt qua sốc văn hóa
Sốc văn hóa có thể là một trải nghiệm đầy thử thách đối với những du học sinh khi đặt chân đến một quốc gia mới. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị thích hợp và kiến thức về văn hóa của đất nước mà bạn sắp đến, bạn có thể giảm thiểu tác động của cú sốc văn hóa và tận hưởng trải nghiệm hành trình du học một cách trọn vẹn. Điều cần thiết là giữ một tâm trí cởi mở, kiên nhẫn và tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác khi cảm thấy quá tải. Sau đây sẽ là một vài tips nhỏ dành bạn:
1.Nghiên cứu
Nghiên cứu về quốc gia mà bạn dự định du học là điều căn bản mà ai cũng biết nhưng đôi khi bạn lại bỏ quên một vài khía cạnh quan trọng của nó. Không chỉ cần tìm hiểu về quy tắc sống, cũng như hành vi và phong tục của người dân địa phương, mà bạn còn có thể khám phá mặt trái và những vấn đề còn tồn đọng của đất nước đó để biết liệu nó có phù hợp với mình hay không.
2.Tự tin với sự khác biệt
Sự khác biệt mà bạn mang đến với đất nước mới là niềm tự hào, là bản sắc dân tộc của Việt nam. Cũng chính vì bạn không giống với những khuôn mẫu mà họ từng thấy nên bạn sẽ có thể bắt gặp những sự tò mò và hiếu kỳ, cả những câu hỏi về đất nước, văn hóa, phong tục, tập quán, chuẩn mực,..đôi khi, các câu hỏi có thể hơi ác ý. Tuy vậy, bạn có thể là người phá bỏ những suy nghĩ bị đóng khung đó bằng cách giải đáp những thắc mắc đó, có khi bạn còn có thể kết thêm nhiều bạn mới nhờ sự khác biệt này.
3.Thay đổi thế giới quan
Mỗi con người, mỗi hoàn cảnh sống sẽ tạo ra một quan điểm, một cách nhìn nhận khác về sự vật, sự việc. Vì vậy, nếu không thể thay đổi được góc nhìn của người dân địa phương, thì tại sao ta không thử thay đổi khía cạnh của chính mình. Thay đổi quan điểm không chỉ cho phép bạn hiểu họ mà còn giúp bạn có được cách nhìn mới về thế giới và phát triển bản thân. Giữ một tâm trí cởi mở, thoải mái khi trải nghiệm một nền văn hóa mới. Hãy sẵn sàng học hỏi và tìm hiểu các phong tục và truyền thống của quốc gia mà bạn đang sinh sống.
4.Học hỏi
Điều tuyệt vời nhất khi trải nghiệm một nền văn hóa hoàn toàn mới là bạn có thể học được điều mà bạn chưa từng biết trước đó. Dành thời gian để đi du lịch và khám phá các điểm tham quan của đất nước. Kết bạn và phát triển các mối quan hệ với những người bạn mới sẽ giúp bạn hiểu thêm về con người và đất nước nơi đây. Đó là cách mà bạn học ngay trong trải nghiệm của mình. Bất kỳ hình thức học tập nào cũng sẽ giúp bạn phát triển bản thân và trải nghiệm được nhiều khoảnh khắc tuyệt vời khiến bạn trở nên tốt hơn theo nhiều cách.Sẽ có những ngày tồi tệ, nhưng tất cả phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận tình huống và tận dụng nó.
5.Chia sẻ và nhận sự giúp đỡ
Bạn có thể làm rất nhiều điều để giúp bản thân thích nghi với một nền văn hóa mới. Nhưng đừng quên rằng bạn không đơn độc — bạn có thể tìm đến những người có thể giúp đỡ:
- Gia đình và bạn bè: Bạn bè và gia đình là điểm tựa vững chắc nhất, vì vậy hãy duy trì liên lạc với họ để chia sẻ và kể về chuyến phiêu lưu mới của bạn. Điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ nhớ nhà hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm những người bạn đồng hương, người thân với bạn tại khu vực sinh sống để tham khảo ý kiến và cách giải quyết vấn đề của họ, vì biết đâu họ cũng đã trải qua cú sốc văn hóa như bạn.
- Cố vấn trường đại học: Các trường đại học đều quan tâm đến sức khỏe tinh thần của sinh viên và sẽ hỗ trợ bạn vượt qua các vấn đề của mình. Nếu bạn cảm thấy cần tìm sự giúp đỡ của chuyên gia, hãy nói chuyện với cố vấn hoặc ban tư vấn tâm lý (nếu có) của trường. Họ là những chuyên gia đã được đào tạo để giúp đỡ học sinh tháo gỡ những khó khăn, khúc mắc.
Sốc văn hóa là một thử thách thực sự đối với du học sinh khi đến một quốc gia mới. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị và hiểu biết đầy đủ về văn hóa của quốc gia mà bạn đến, bạn có thể giảm thiểu tình trạng sốc văn hóa và tận hưởng một trải nghiệm du học tuyệt vời.
Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì liên quan đến du học hãy liên hệ ngay với Study Guide để được tư vấn miễn phí nhé!