Úc viện trợ 10 triệu AUD cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam

Đăng ký tài khoản

Cảm ơn bạn đã đăng ký!

Success
Mục lục
    Chương trình Aus4Innovation được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam nắm bắt các công nghệ trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong bối cảnh có các xu hướng triển vọng về kinh tế số ở Việt Nam.



    Australia sẽ viện trợ 10 triệu đô-la Australia (AUD) trong 3 năm tới để giúp Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thông qua Dự án Sáng tạo Australia – Việt Nam, còn có tên Aus4Innovation.

    “Chúng tôi muốn tạo sự hợp tác giữa các nhà khoa học của Australia và Việt Nam, kết nối giới khoa học và doanh nghiệp để giúp thương mại hóa các nghiên cứu, sáng tạo. Chúng tôi muốn thấy thêm các trung tâm đổi mới sáng tạo, và giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được các công nghệ mới”, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick phát biểu ngày 10/1 trong lễ công bố chương trình tương đương 7,2 triệu USD này.

    Buổi lễ có sự tham dự của Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh và đại diện của Cơ quan Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học của chính phủ Australia (CSIRO).

    Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh (trái) cùng Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick công bố Aus4Innovation (Dự án Sáng tạo Australia – Việt Nam) tại Đại sứ quán Australia ở Hà Nội ngày 10/1/2019. Ảnh: Trọng Thuấn.

    Dự định sẽ thử nghiệm nhiều mô hình mới về hợp tác công – tư, thương mại hóa ý tưởng, trao đổi chính sách, Aus4Innovation được kỳ vọng tăng cường hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, giúp Việt Nam nắm bắt các cơ hội của thời đại Công nghiệp 4.0. Đây là cuộc chạy đua toàn cầu nhằm áp dụng vào nền kinh tế các công nghệ mới như tự động hóa, robot, các thiết bị kết nối hay trí tuệ nhân tạo.

    “Việt Nam được thế giới coi là một kỳ tích kinh tế, đưa 40 triệu người thoát khỏi đói nghèo … Dẫu vậy, thời đại 4.0 bắt buộc Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược”, tiến sĩ Lucy Cameron, đồng tác giả với Bộ Khoa học Công nghệ trong một báo cáo cho Aus4Innovation, cho biết.

    “Một làn sóng các công nghệ có thể áp dụng trên mọi lĩnh vực như robotic, dữ liệu lớn, sản xuất đắp dần, blockchain, AI (trí tuệ nhân tạo) có tiềm năng tạo nên làn sóng đổi mới sáng tạo và tăng năng suất mới. Việt Nam lại đang trong giai đoạn chuyển từ dựa vào lao động giá rẻ sang tăng năng suất lao động và tạo ra sản phẩm có giá trị cao, và nếu Việt Nam không tận dụng các công nghệ này, các nước khác sẽ giành lợi thế cạnh tranh”, bà Cameron nói thêm.

    Tiến sĩ Lucy Cameron (phải), nhà nghiên cứu thuộc chương trình Aus4Innovation, trình bày tóm tắt báo cáo về tương lai nền kinh tế số ở Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng tháng 3-5/2018. Ảnh: Trọng Thuấn.

    Dự thảo báo cáo trên, về tương lai nền kinh tế số của Việt Nam đến năm 2040, nêu bật triển vọng của công nghệ số, một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất ở đất nước đã được tạp chí công nghệ Mỹ PC Magazine gọi là Thung lũng Silicon của Đông Nam Á. Trong một thập kỷ, xuất khẩu trong lĩnh vực này của Việt Nam tăng từ 10% tổng xuất khẩu lên mức 25% vào năm 2016, tỷ lệ cao hơn các nước cạnh tranh như Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan.

    Với tỷ lệ sử dụng di động và Internet cao, ngày càng nhiều người dùng đón nhận thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ và chính phủ điện tử nhờ sự tiện dụng và tiết kiệm thời gian, chi phí. Thị trường thương mại điện tử tăng trưởng 35% mỗi năm, và số người mua hàng trên mạng được dự đoán tăng 52% từ giờ đến năm 2020.

    Đối với các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp sẽ hưởng lợi lớn nhất từ việc áp dụng cảm biến và phân tích dữ liệu tức thời để điều chỉnh gieo trồng, tưới tiêu, còn ngành chế tạo sẽ đột phá nếu ứng dụng công nghệ nhà máy thông minh như theo dõi giám sát quy trình, robot, tự động hóa.

    Tuy vậy, kết quả thực hiện đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện tại còn hạn chế, theo báo cáo “Việt Nam 2035” do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện.

    Chi cho khoa học và công nghệ của Việt Nam ước khoảng 1 USD/người, so với 1.000 USD/người ở các nước OECD. Ước tính Việt Nam chi khoảng 0,3% GDP cho nghiên cứu và phát triển, thua xa mục tiêu 2% GDP vào năm 2020 của Chính phủ. Với 0,01 bằng sáng chế trên 100.000 dân, Việt Nam cũng tụt hậu so với các nước cạnh tranh như Thái Lan hay Ấn Độ.

    Chương trình Aus4Innovation hiện thực hóa cam kết giữa Australia và Việt Nam về hợp tác khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo, đạt được bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 tại Đà Nẵng.

    Theo Zing
    Thảo luận