Hai năm đi học tại Úc: Chia sẻ của một cựu du học sinh đại học Melbourne - Chương 2 - Phần 3

Đăng ký tài khoản

Cảm ơn bạn đã đăng ký!

Success
Mục lục
    Hôm nọ tôi đã kể cho các bạn nghe về hoạt động ngoại khóa mà tôi tham gia. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ về hai lần thực tập của tôi nhé! Nói thật, đến giờ khi nhìn lại chặng đường đã qua, tôi chỉ cảm thấy mình may mắn vì có quá nhiều người bạn, người thầy tuyệt vời! Cảm ơn cuộc đời!



    ------------------------

    Phần 2: Hoạt động ngoại khóa

    Phần 3: Thực tập


    Trong thời gian ở đây, tôi có tham gia hai đợt thực tập. Đợt 1 là khi tôi chọn môn “Thực tập quốc tế” – một môn học có 25 tín chỉ với 3 bài luận (10,000 từ) và đợt 2 là do tôi thấy nghỉ đông, tôi rảnh quá nên nói chuyện với cô chuyên hướng dẫn thực tập và lại đi thực tập tiếp (dù không cần viết bài gì cả).
     
    3.1 Monkey Forest Consulting (MFC) 

    MFC là công ty chuyên về tư vấn và thực hiện các dịch vụ về Đánh giá Tác động Xã hội. Lúc học trong trường, tôi khá tâm đắc với môn học này và muốn đào sâu về nó. Thời gian học ở trường chỉ mang tính chất là đem đến kiến thức trong khi tôi luôn thắc mắc về mặt thực tế, nó có thật đang làm được điều mà lý thuyết đang nói đến. Nói về môn “Thực tập Quốc tế” thì dù đây là một môn học có giáo viên support nhưng từ việc nộp đơn ứng tuyển hay phỏng vấn hay đến khi đã được offer, sinh viên phải luôn tự chủ và tích cực làm mọi việc. Giáo viên chỉ giúp cung cấp những thông tin về 1 số tổ chức, đưa cho các bạn các link về mẫu CV hay tư vấn thêm cho các bạn nếu các bạn cần thêm thông tin và hỗ trợ thắc mắc trong quá trình “đăng ký học” môn này. Trong thời gian học tôi có nộp đơn khá nhiều nơi để xin thực tập nhưng có lẽ do CV của tôi không có nhiều kinh nghiệm làm NGOs nên khá gian nan. Do đó tôi nghĩ đến việc thực tập tại Việt Nam. Tôi may mắn có bạn làm trong ngành này, nên khi vừa có ý định thì tôi hỏi bạn và nói tôi quan tâm đến Đánh giá Tác động Xã hội. Rất may mắn cho tôi là bạn tôi đang làm cho MFC và bạn nói để bạn hỏi giúp xem MFC có nhận thực tập sinh không. 

    Dù khá may mắn trong việc tìm được đúng môi trường mình muốn làm nhưng thời gian làm công việc giấy tờ để chuẩn bị quả thật khá stress với tôi. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo của Úc, tôi chỉ được phép bay khỏi Úc sau thời gian học của trường, và tôi cũng sẽ cần phải xin phép Bộ với tất cả giấy tờ như Offer từ Công ty MFC, bằng chứng về việc đã được enroll cho môn này. Công ty MFC cũng gấp rút chuẩn bị offer (bao gồm các công việc họ muốn tôi làm) và khi enroll, tôi cũng đã lên gặp GV để trình bày. Quá trình trao đổi cho offer mất khoảng 1 tuần, và tôi có đúng 2 tuần để enroll môn học, email xin chấp thuận từ Bộ, đặt vé máy bay, sắp xếp tất cả và về. Mọi thứ diễn ra nhanh chóng nhưng chỉ khi ở trong cái guồng làm việc với ba bên quản lý (Quản lý HB, Quản lý môn học và Quản lý thực tập) mới thấy thật nhiều paperwork và mỗi ngày đều phải email và cầu trời rằng họ trả lời email sớm để tôi có thể làm bước tiếp theo. Tôi hoàn tất mọi thứ và kịp bay về vào ngày 18/11 (ngay khi được phép ra khỏi Úc), ghé Sài Gòn đúng 1 ngày, về nhà 2 ngày và bay thẳng ra Thanh Hóa để bắt đầu đợt thực tập.

    Tại MFC, ban đầu tôi tìm hiểu về các dự án mà công ty đang làm. Sau đó tôi tham gia nhiều hơn vào các dự án Giáo dục, Hỗ trợ sinh kế và thời gian cuối năm thì được trải nghiệm với việc tập hợp chỉnh sửa các Yêu cầu Gọi Thầu (Request for Proposals). Ngoài ra, với kinh nghiệm làm Nhân sự, cô sếp còn nhờ tôi làm lại các Bản miêu tả công việc cho từng vị trí của team Social Strategic Investment – MFC. Nếu nói về điều mình học được từ đợt thực tập này (kiến thức và chuyên môn làm Development) thì chắc tôi phải đem ba bài luận (10,000 từ) ra mới nói hết. Và thứ khiến tôi vui hơn hết là thực tập ở MFC cho tôi một cảm giác tôi là một nhân viên thực sự (chứ không phải là Thực tập sinh vào “cưỡi ngựa xem hoa”). Tôi có sự hỗ trợ của cả team – mọi người không những giỏi mà còn vô cùng dễ thương. Thời gian tại đây làm tôi có cảm giác mọi người như một gia đình khi cùng ăn, cùng đi làm, cùng đi chơi và gắn kết với nhau. Sau một thời gian, tôi cũng mạnh dạn đưa ra ý kiến để đóng góp thêm cho dự án, và thấy rất hạnh phúc khi đóng góp của mình được ghi nhận. Tôi cũng tham gia thêm vào Câu lạc bộ tiếng Anh, chia sẻ và làm bà chị chuyên tạo ra các sự kiện “kết nối” (làm mai các kiểu) cho các em. 

    Kết thúc đợt thực tập, tôi được mọi người khá yêu quý mình và khi chia tay, tôi nói thật là tôi khá lưu luyến nơi này. Tôi không những có thêm mentor, có thêm bạn bè trong ngành này và tôi hy vọng một ngày nào đó, chúng tôi sẽ cùng nhau thực hiện những dự án xã hội khác.
     
    3.2 Australian Red Cross - ARC



    Trong thời gian nghỉ giữa kỳ (tháng 6 năm 2017), tôi email cho GV thực tập rằng “cô ơi, em rảnh quá, em muốn làm cái gì đó trong thời gian này. Nếu cô biết chỗ nào tuyển tình nguyện viên thì cô cho em hay ạ” và vừa đúng lúc ARC đang cần người hỗ trợ mảng đào tạo tình nguyện viên. Và thế là sau 2 tuần email trao đổi, làm hồ sơ và xét duyệt, tôi chính thức làm International Training Intern cho ARC.

    ARC là một National Society thuộc hệ thống “the International Federation of Red Cross and Red Crescent Societies” và là một phần của “the International Red Cross and Red Crescent Movement”. Khi vào làm tại đây, tôi hết sức choáng ngợp bởi hệ thống learning – từ của IFRC đến của riêng ARC. Văn hóa làm việc ở đây cũng rất khác so với những nơi tôi đi qua, đơn giản như qua chuyện sử dụng bàn ghế - không một ai có bàn làm việc cố định, tức là “first come first serve”, tôi đến trước và nếu thích ngồi gần cửa sổ thì cứ vào ngồi. Việc sắp xếp này đem lại sự linh hoạt và tiết kiệm không gian vì bản chất công việc ở đây, mọi người hay đi công tác và nó cũng khiến cho một team – hoặc giữa các team nếu cần ngồi gần nhau thì sẽ dễ dàng hơn. 

    Công việc của tôi ở đây là review lại toàn bộ những training modules cho tình nguyện viên quốc tế, tạo training modules mới và chỉnh sửa những cái đang hiện hữu (nếu cần). Tôi cũng được yêu cầu hỗ trợ thêm cho mảng tổ chức workshop. Khi tôi bắt tay vào làm Thực tập ở đây, tôi được tiếp cận với rất nhiều hệ thống đào tạo – của ARC, rồi của IFRC rồi của những learning platform chung của ngành. Chưa kể là ARC là một tổ chức phi chính phủ lớn với những kế hoạch xây dựng một mạng lưới tình nguyện viên lớn cho các tổ chức xã hội khu vực Thái Bình Dương, nên công việc về training khá nhiều và trùng lắp. Thời gian này, ARC cũng đang thử nghiệm một số chương trình tuyển dụng tình nguyện viên quốc tế khá lớn, nên ARC cũng rất chủ động trong việc partner với các trường ĐH lớn như Melbourne University, hay RMIT, Monash… Trong thời gian làm tại đây, tôi có dịp làm quen với một số phần mềm làm Animator, rồi PPT, rồi kha khá nhiều thứ như thu giọng và viết kịch bản cho phần training. Nói chung là vui vì được học nhưng cảm giác thì vẫn chưa đã cho lắm. Vì sao? 

    Nếu như ở MFC, cảm giác thân quen vì có ít người và mọi người hay sharing cũng như dễ nói chuyện thì ở ARC tôi lại thấy có chút xa cách. Lý do cho sự xa cách ấy là, có quá nhiều người và tôi cũng không biết rõ ai làm gì, có liên hệ gì với team của tôi. Chưa kể công việc của tôi không đòi hỏi tôi nói chuyện với các team khác, trừ những bạn trong team tôi. Tôi cũng chỉ làm ở đây thời gian khá hạn chế, và nói thật là mọi người quá bận rộn với công việc của họ nên những feedback cho tôi cũng khá là chậm. Với tích cách của tôi, tôi nhanh chóng bị tụt mood, đồng thời tôi phải sắp xếp lại mức độ ưu tiên và cống hiến cho công việc. Tuy vậy, thời gian càng về cuối này, tôi bắt đầu cảm nhận được sự gần gũi của mọi người – team cảm ơn sự đóng góp và kiên nhẫn của tôi và Supervisor Mark – anh bạn làm training đã dành khá nhiều thời gian chia sẻ với tôi về con đường phía trước. Tuần trước, tôi cũng chia sẻ với bạn supervisor Paul rằng có lẽ sắp tới tôi về VN, nhưng vì còn thời gian trống nên tôi vẫn muốn hoàn thành công việc nào đó – có kết quả rõ rệt để tôi thấy thời gian ở đây của tôi thực sự là hữu ích. Paul hứa với tôi rằng “Yên tâm, ARC sẽ còn cần tôi hỗ trợ, đặc biệt là khoảng thời gian cuối tháng 1”. Lời hứa “thêm việc” mà lại làm tôi vui vô cùng. Tôi muốn thấy mình hết sức cho công việc và thấy thành quả của mình dù đó chỉ là thực tập! Và tôi suy nghĩ đến việc vẫn tiếp tục làm với ARC như một volunteer online.

    Việc đi thực tập là một trong những quyết định đúng đắn nhất mà tôi từng có trong thời gian học tại đây. Nó không chỉ cho tôi cơ hội “reflect” kiến thức mà tôi đã học được mà còn có dịp đi sát với thực tế, cho tôi hiểu rõ công việc của ngành này. Do đó, nếu các bạn có yêu thích hay muốn thử sức ở lĩnh vực nào đó mà vẫn còn lờ mờ về nó, lời khuyên của tôi vẫn là “thử đi em” (thử làm, thử sống trong cái nghề đó xem mình thấy gì, cảm được gì).

    Kỳ tới sẽ là bài về chuyện đi tìm việc và làm việc của tôi nhé! Have a nice day.

    Phần 4: Kiếm việc và kiếm tiền - to be continued
     
    Thu Hà
    (Recipient of Endeavor Scholarship)
    Thảo luận