Hai năm đi học tại Úc: Chia sẻ của một cựu du học sinh đại học Melbourne - Chương 2 - Phần 2

Đăng ký tài khoản

Cảm ơn bạn đã đăng ký!

Success
Mục lục
    Nói thật là sau khi kết thúc một số hoạt động này, tôi vẫn có nhiều cảm giác - tiếc nuối có, chán nản có, ý nghĩa có và có lúc tôi ao ước mình được quay ngược thời gian để có thể enjoy hơn nữa hoặc thậm chí sửa sai để làm tốt hơn nữa. Tuy nhiên, bất kể là gì, tôi cũng cảm thấy mình đã hiểu hơn được rất nhiều điều trong hành trình này.



    Phần 1: Đi học lần hai có gì vui?

    Mời các bạn đọc tiếp chương 2, phần 2 về Hoạt động thêm của tôi khi đi học tại Úc nhé!

    ----

    Phần 2: Hoạt động ngoại khóa

    Vì ý thức về việc thiếu kinh nghiệm trong công việc phát triển nên ngay khi thấy đã quen với trường lớp, tôi bắt đầu tìm kiếm cơ hội để làm trong các tổ chức phi lợi nhuận với vai trò là tình nguyện viên. Tôi nộp đơn cho một số chỗ nhưng sau đó thành công ở hai nơi. Công việc số 1 là ở Faculty of Arts với vị trí là External Relations Officer – Ambassador. Với vị trí này, công việc của tôi là đại diện cho ngành tôi đang học gặp gỡ các sinh viên tiềm năng tư vấn cho họ về khóa học, chia sẻ về điều tôi đã học được và những khó khăn khi tôi vào học tại các buổi như Meet an Academic, hay Study Expo, Open day, v.v

    Công việc thứ hai là làm Nhân sự cho Global Consulting Group. Nếu như công việc thứ nhất chỉ đơn giản là gặp gỡ và chia sẻ thì công việc thứ hai lại “cao siêu” hơn với việc phân tích về nhân lực và làm công tác tuyển dụng. Tuy vậy, ở công việc này tôi không cần tôi giao tiếp với các team khác nhiều trừ nội bộ team Nhân sự. Chúng tôi họp mặt nhau mỗi tuần, chia sẻ tiến độ công việc với nhau, và mỗi người đều có một công việc riêng, tự hoàn thành theo đúng deadline được đưa ra. Điều hay nhất khiến tôi thích Global Consulting Group (GCG) đó là đây là một tổ chức điều hành bởi sinh viên, thế nhưng các bạn ấy đang làm một công việc mà tôi thấy ngưỡng mộ: tư vấn cho các tổ chức phi lợi nhuận về việc điều hành và phát triển. Chia sẻ một chút là cách các bạn ấy làm giống như 1 tư vấn viên (consultant) thực thụ mà chúng ta hay gặp từ PWC hay KPMG và các bạn ấy mới chỉ là sinh viên mà thôi. Sự chuyên nghiệp của các bạn ấy thể hiện rất rõ từ dress code (cách ăn mặc) khi đi họp, khả năng thuyết trình, làm PPT, phân tích và đề xuất giải pháp cho case. Việc tuyển dụng cũng không đơn giản vì các bạn đều trải qua đến 3 vòng: xét duyệt CV, làm project theo nhóm, phỏng vấn (hành vi và khả năng giải quyết vấn đề qua case). Khi tham gia vào tổ chức này, tôi đã ấp ủ đem mô hình này về làm ở Việt Nam vì chính quá trình tư vấn cũng đem lại rất nhiều kinh nghiệm và cọ xát thực tế cho các bạn. Tuy nhiên cái tôi thấy khó nhất ấy là tôi sẽ làm chương trình như thế này với kinh phí từ đâu, các trường có ủng hộ không, và mối liên hệ giữa các công ty tài trợ, các tổ chức phi chính phủ và vân vân. 

    Ngoài hai hoạt động chính này xuyên suốt từ tháng 6 năm 2016 đến tháng 6 năm 2017, tôi vẫn cố gắng duy trì Better Chance và support cho khoảng 19 em sinh viên trong 3 đợt (Batch 03, 04, 05 trong năm 2016 và 2017). Tôi cũng đã thử một ngày làm gây quỹ (fund-raising) cho Viện Nghiên cứu các bệnh về não cho trẻ em. Việc gây quỹ của tôi hôm ấy là vào một ngày tháng 8 năm 2016. Tôi đăng ký gây quỹ với hai vai trò – Tình nguyện viên chính cho Jeans for Genes tại Ga North Melbourne từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa và Nhóm trưởng tại trường tôi nguyên ngày hôm ấy. Về việc tham gia tại ga thì không quá lo lắng vì tôi chỉ cần có mặt lúc 6am và nói chuyện với tất cả những người đi ngang qua để xin tiền họ cho Quỹ. Còn việc làm nhóm trưởng của trường thì từ trước đó hai tuần tôi đã rủ một bạn bè tại trường tham gia cùng và kết quả là chúng tôi có 6 bạn chia ra làm hai ca sáng chiều, mỗi ca khoảng ba tiếng. Trước đó, tôi cũng gửi tài liệu đến cho các bạn coi qua để các bạn biết mình đang quyên góp cho chương trình gì. Ngoài ra điều đặc biệt cho chương trình gây quỹ này là chúng tôi công việc gây quỹ cùng sự hỗ trợ của Jeans for Genes nên chúng tôi cần mặc 1 món đồ jeans như quần jeans hay áo khoác jeans.

    Sáng hôm đó, tôi để đồng hồ dậy từ 4.45 sáng và tôi đấu tranh tư tưởng một lúc vì lúc tôi dậy thì nhiệt độ khoảng 1 độ C thôi, trời rất lạnh. Tôi tự nhủ không phải lúc nào cũng có cơ hội thế này và đây là một hành động tốt, nên cuối cùng thì tôi ra khỏi nhà và bắt kịp xe buýt đến ga North Melbourne lúc 5:55 sáng. Lúc tôi đến nơi, tôi không thấy bất kỳ một dấu hiệu nào của đội gây quỹ. Tôi gọi cho nhóm trưởng thì điện thoại đổ chuông nhưng không bắt máy. Tôi đứng chờ đến 6:15 vẫn không thấy một ai nên quyết định đi về. Khoảng 8.30 sáng tôi lại bắt bus lên trường và tham gia luôn vào nhóm ở trường.

    Ngày hôm ấy tại trường chúng tôi quyên góp được khoảng 210 đô la Úc – một con số khá khiêm tốn nhưng tôi có thêm một vài trải nghiệm nhỏ như quen thêm với hai bạn người Indonesia nữa, hiểu thế nào là xin fund từ người đi đường, nói thế nào và thuyết phục họ ra sao (cộng với cảm giác ê mặt khi bị từ chối hay bị hỏi những câu cắc cớ). Và cũng chính từ ngày hôm ấy, tôi có cơ duyên gặp một người Thầy – người đã đồng hành cùng tôi suốt một năm sau – Thầy đã là người khích lệ tôi rất nhiều trên con đường học hành!



    Bên cạnh đó, trong kỳ nghỉ đông, tôi cũng xin được HB để tham gia khóa học về Lãnh đạo Chống Bạo hành Phụ nữ do Bang Victoria tổ chức. Lý do tôi tham gia chương trình này là trong lúc đi học, tôi thấy rằng việc bạo hành phụ nữ không chỉ diễn ra tại những nước đang phát triển mà cả những nước phát triển như Úc. Tuy nhiên rõ ràng là chính quyền nước Úc khá quan tâm đến điều này và thể hiện rõ qua các chương trình truyền thông. Vô tình chung, khi học tôi hay so sánh với Việt Nam và tôi thấy ở Việt Nam, sự bạo hành diễn ra ở nhiều bối cảnh tại Việt Nam. Tôi đã từng ít nhiều chứng kiến sự bạo hành đó –không nhất thiết là bạo hành thể xác nhưng những lời nói cũng có thể gây tổn thương ghê gớm cho người phụ nữ, và ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ em khi chúng phải chứng kiến điều đó. Việc tham gia khóa học giúp tôi có một số kiến thức nhất định về việc ngăn chặn bạo hành nhưng để làm được điều này tại Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta cần có cái nhìn rõ ràng và đúng đắn về bạo hành. Việc nhìn nhận vấn đề đúng sẽ giúp chúng ta thay đổi suy nghĩ ngay từ cách cư xử, và giáo dục trẻ cũng như chính những người trong cuộc hiểu về quyền của mình trong việc phòng chống bạo hành.

    Ở phần sau, tôi sẽ chia sẻ với các bạn về hai lần thực tập của tôi khi đi học tại Úc nha!

    Phần 3: Thực tập - to be continued
     
    Thu Hà
    (Recipient of Endeavor Scholarship)
    Thảo luận