Hai năm đi học tại Úc: Chia sẻ của một cựu du học sinh đại học Melbourne - Chương 3 - Kết

Đăng ký tài khoản

Cảm ơn bạn đã đăng ký!

Success
Mục lục
    Đây là phần cuối cùng của Hành trình Hai năm tại Úc của tôi! Hy vọng các bạn đã đọc và thích phần chia sẻ này. Hẹn gặp lại các bạn sớm!



    Chương 2: Trở lại

    --------------------

    Chương 3: Điều tôi học được từ hành trình này
     
    Hành trình hai năm của tôi đã đến hồi kết. Tôi đã nộp bài cuối cùng cách đây 2 hôm, tôi đã book vé đi New Zealand để thưởng cho mình và đang làm visa. Tôi đã nghĩ đến ngày về và những kế hoạch cần tôi bắt tay vào. Cảm xúc trong tôi rất lẫn lộn vì tôi vui khi hoàn thành khóa học, vì tôi đã có hai năm nhiều trải nghiệm, và vì tôi đã gặp được anh; tôi cũng buồn vì sắp tạm biệt Úc với rất nhiều cảnh đẹp, và thời tiết mát lạnh, tạm biệt rất nhiều thứ mà tôi gắn bó; tôi cũng háo hức vì trước mắt tôi có nhiều kế hoạch hay – mà bản thân tôi thích sự thử thách. Tuy vậy, thôi hãy quay về chủ đề phần cuối hôm nay: Điều tôi học được và thay đổi nhé!

    Điều tôi học được?

    Chắc chắn rằng tôi đã học được rất nhiều thứ - những kiến thức rất mới với tôi – những thứ liên quan đến Nghiên cứu Phát triển. Trước khi đi học, tôi hăm hở và luôn suy nghĩ về những tổ chức phi chính phủ hay phi lợi nhuận (NGOs – NFPs) hay những công việc ấy một cách “thần tượng”. Tôi luôn nghĩ những con người làm trong lĩnh vục này thật cao cả, và rằng họ có một trái tim nhân hậu biết bao. Tôi cũng kỳ vọng nhiều vào những dự án hay chương trình có thể tạo ra phép màu nào đó, có thể biến những vùng quê nghèo khó giàu lên – giàu từ vật chất đến tinh thần, rồi mong rằng những người yếu thế sẽ có nhiều sự giúp đỡ theo kiểu “cho cần câu, dạy cách câu”, chứ ko phải được nhận “cá” hoài… Nói chung là thế, và đến khi vào học thì những kiến thức quá hay, những thứ mình cần tìm hiểu và phản biện cũng thật nhiều và rộng. 

    Tuy vậy, sau khi kết thúc khóa học, tôi đã thay đổi những suy nghĩ về công việc phát triển. Các công việc của ngành này cũng như bao ngành khác, có cái tốt, có cái xấu, có mặt hào quang, có mặt thì đành quay mặt coi như không nhìn thấy. Tôi nhìn thấy rõ cái gọi là chính trị, là sắp đặt là ti tỉ thứ mà có lúc vì thật vọng tôi đã nói “mình lại sai hay sao?” Rồi sau tất cả suy nghĩ tôi học được những thứ lớn hơn. Và tôi lại thấy mình “bình thường” hơn với suy nghĩ đa chiều. 

    Tuy thế, tôi vẫn luôn tin vào sự tử tế. Sự tử tế giống như một nguyên tắc sống của tôi, nó cũng là tiêu chí cho rất nhiều thứ tôi lựa chọn – ngay cả chọn bạn đồng hành (đồng hành trên nhiều nẻo đường). Tôi tin tử tế sẽ đem đến những thứ tốt đẹp, mình không cần phải có dự án này hay dự án nọ, không cần phải có vài trăm triệu mới làm người tử tế mà sự tử tế có thể đến từ những hành động nhỏ thôi – hay tử tế cũng là từ trong suy nghĩ. Vì thế, dẫu thế giới có đảo điên thế nào, tôi vẫn nghĩ rất nhiều người ngoài kia, dù đang làm trong ngành phát triển hay không, họ cũng đang là những con người có thể thay đổi và tạo ra tác động tích cực cho xã hội!

    Hành trình hai năm không những đem lại một tôi trưởng thành hơn về tri thức mà còn là một tôi “đằm thắm” hơn. Ahihi, nói đến đây chắc có nhiều người cười! Vậy nên, tôi sẽ nói về hai điều này: sự linh hoạt và sự bình tĩnh.



    Linh hoạt 

    Khi sống và làm việc ở Việt Nam, tôi có thể làm được nhiều thứ. Nói đến năm 2013 và đặc biệt 2015, tôi thấy mình như “siêu nhân” khi có thể phân thân làm được 5 và 6 thứ cùng một lúc – không phải tất cả đều 100% hoàn hảo thì cũng là 80-85%. Ở bất kỳ dự án nào, tôi cũng có 1 team xuất sắc hỗ trợ. Tôi có tất cả sự hỗ trợ cần thiết để ra quyết định nhanh nhất, để thực hiện nó tốt nhất. Qua Úc đi học – tôi về con số gần như bằng 0. Tôi vẫn chạy dự án, nhưng nó khác vì tôi không còn ở VN. Tất cả mọi thứ với tôi thiêu thiếu một cái gì đó. Tôi chia sẻ với vài anh chị và bạn, họ nói “đó là hiển nhiên” vì trước giờ tôi là đầu tàu cho inspiration và khi thiếu cái đầu tàu ấy, bất kể thế nào nó không thể đầy nhiệt huyết như tôi. Anh chị và bạn tôi còn nói, rõ ràng rồi vì đó là khoảng cách thời gian. Rồi tôi thấy tôi mình bất lực vì không phải như trước kia, tôi có thể “ào tới” để nhìn tận mắt hay “alo” để có một team ngay…. Cái cảm giác về 0 – một mình nó cô đơn và trống trải…. 

    Nhưng may mắn thay, tôi là một người sau vài ba ngày “chông chênh”, tôi lại rất tỉnh táo. Tôi có thể phân tích đúng sai, và thấy mình có sai, sai như thế nào nữa kia và tôi chấp nhận mình đang ở đâu và điều chỉnh. Tôi bớt kỳ vọng về các dự án, chúng vẫn đang chạy, bất kể là thiếu tôi, hay chúng dù chưa hoàn hảo nhưng vẫn đang là một cái gì đó tôi đáng tự hào. Hoặc nghĩ xa hơn đi, tôi đang thiếu rất nhiều thứ và đang ở môt nơi xa 4 tiếng đồng hồ nhưng mọi người vẫn đang ở đó chung tay cùng tôi. 

    Sự linh hoạt mà tôi có được còn đến từ những thứ trong cuộc sống. Nếu tôi chậm một chút, hay do xe bus đến sớm một chút mà tôi lỡ chuyến, thì tôi sẽ chuyển qua đi chuyến bus khác mà đến gần nơi tôi cần đến đã, rồi có thể đi bộ, hay tôi có thể bắt tram mà di chuyển. Sự linh hoạt còn ở nếu ở VN, mọi thứ đều được tôi lên kế hoạch sát nhau và gọn gang, thì ở đây đôi khi tôi phải chấp nhận có những thay đổi vào phút chót… Học cách chấp nhận khiếm khuyết hay thay đổi “chóng mặt” đôi khi không dễ dàng!

    Bình tĩnh

    Nếu ai có dịp quen biết với tôi những năm tôi 25 tuổi sẽ thấy tôi hôm nay rất khác. Trước đây tôi nóng tính, giờ vẫn có những giây phút nóng tính nhưng tôi thường phản xạ bình tĩnh hơn rất nhiều. Ví dụ nhé, nếu trước đây khi phát hiện ra điều không như ý, tôi sẽ xị mặt ra, tôi có thể sẽ gọi điện thoại làm rõ ràng mọi chuyện, tôi sẽ thậm chí có thể lớn tiếng khi ai đó nói nhăng cuội tào lao bí đao. Bây giờ, nếu có gì khác, tôi sẽ nghĩ – ahihi, buồn cười nhỉ, à mình cứ từ từ tìm ra lý do, rồi à, nếu không có phải là cái gì ghê gớm thì tôi mặc kệ luôn – không cần nhất thiết cứ “nóng” để giải quyết vấn đề hay, à ừ “tùy duyên” hay “nhân quả” mà, mình cứ lo tốt việc của mình đã.

    Lời kết

    Khi viết về hành trình này, tôi suy nghĩ liệu có ai đó nghĩ tôi phô trương, liệu có ai đó thấy thật buồn cười, liệu tôi có đang làm chuyện tầm phào lắm không; nhưng mà rồi tôi nghĩ “ừ mình thích thì mình làm thôi”. Nếu viết ra, có ai đó đọc và nhận ra được cái gì đó, vậy là quá tốt rồi. Hay nếu viết ra có thể thỏa mãn một chút cá nhân mình vì – ahihi, cuối cùng mình cũng đủ kiên nhẫn để viết khoảng 12 ngàn từ thì cũng là hay rồi. Hay nếu viết ra, để sau này già ngồi nhìn lại – à thời thanh xuân của mình không trôi qua vô vị - vậy cũng tuyệt vời mà…

    Các em sinh viên thân mến – tôi dành đoạn cuối này để nhấn mạnh và gửi gắm cho các em. Nếu các em theo dõi tôi và từng biết tôi, các em sẽ thấy – hoàn cảnh gia đình không ngăn nổi ước mơ nếu em dám mơ, sự khó khăn sẽ không là gì nếu em đủ quyết tâm và nỗ lực, sự tử tế không bao giờ là dư thừa trong bất kỳ xã hội nào và chúng ta chỉ có một đời để sống thật hạnh phúc, ý nghĩa và bình an. Tôi hy vọng các em sẽ nghĩ xa hơn, rộng hơn về cuộc sống của mình, cũng hy vọng các em dám bước qua ranh giới của sự thoải mái vốn có (comfort zone) và từng bước trưởng thành. Chúc cho tất cả chúng ta sẽ luôn an nhiên và hạnh phúc!
     
    Thu Hà
    (Recipient of Endeavor Scholarship)
    Thảo luận