Mỗi năm, có hàng ngàn hồ sơ xin cấp visa thường trú tại Canada bị từ chối vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nhiều nguyên nhân hoàn toàn có thể phòng tránh được. Dưới đây là danh sách 7 nguyên nhân phổ biến khiến hồ sơ bị bác, nhằm giúp những ai đang có ý định hoặc đang tiến hành chuẩn bị hồ sơ có thể tham khảo và chuẩn bị.
Mẫu đơn điền thiếu thông tin
Trong một số trường hợp, người đứng đơn thường hiểu sai ý nghĩa câu hỏi trên mẫu đơn, bỏ qua một số mục thông tin hoặc hiểu sai các hướng dẫn trong quá trình hoàn thiện mẫu đơn. Những sai lầm không đáng có này sẽ khiến chính phủ nghi ngờ rằng người nộp đơn đang cố ý che giấu hoặc bóp méo một số thông tin nhất định. Hành động này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ riêng việc hồ sơ đó bị bác mà bản thân ứng viên cũng sẽ bị cấm nộp hồ sơ xin thường trú trong vòng 2 năm (riêng với tỉnh Quebec thì thời gian cấm nộp lại hồ sơ kéo dài đến 5 năm).
Gặp vấn đề về sức khỏe
Tất cả những người đứng đơn và thân nhân của họ đều phải được kiểm tra sức khỏe bởi một bác sĩ do Bộ Quốc tịch và Nhập cư Canada (CIC) chỉ định. Hồ sơ xin thường trú có thể bị từ chối nếu những người này gặp một số vấn đề sức khỏe nhất định. Lấy ví dụ, các bệnh nhân tiểu đường hoặc viêm gan A có thể trở thành gánh nặng cho hệ thống y tế phổ thông của Canada và CIC có quyền từ chối cấp visa thường trú cho những ứng viên không đạt đủ điều kiện sức khỏe như vậy. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn có thể khắc phục được. Một lưu ý từ bác sĩ điều trị có thể giúp người bệnh tránh khỏi việc kiểm tra sức khỏe nhiều lần cũng như những chậm trễ trong quá trình xử lý hồ sơ, hạn chế tối đa nguy cơ hồ sơ bị từ chối.
Đã từng có tiền án, tiền sự
Việc kiểm tra lý lịch tư pháp ở các quốc gia mà người nộp đơn đã cư trú trong vòng sáu tháng hoặc lâu hơn kể từ khi họ 18 tuổi là điều bắt buộc. Chính phủ Canada muốn đảm bảo rằng những người nhập cư không trở thành mối đe dọa cho sức khỏe và sự an toàn của các công dân khác. Việc kiểm tra tiền án, tiền sự chỉ mang tính thủ tục với những người có hồ sơ “sạch” trong quá khứ. Tuy nhiên, đây có thể là trở ngại lớn đối với những ứng viên đã từng phạm tội.
Một người nước ngoài đã từng phạm tội có thể bị cấm nhập cảnh vào Canada. Những ứng viên đã từng có tiền án cần phải tìm hiểu kỹ về vấn đề này, cũng như sự khác biệt giữa deemed rehabilitation (thời điểm xóa án tích) và individual rehabilitation (diện không còn khả năng phạm tội mới). Các ứng viên cũng có thể xin tư vấn từ một luật sư di trú đã có kinh nghiệm trong việc giải quyết các trường hợp bị từ chối nhập cảnh do có tiền sử phạm tội.
Nộp hồ sơ muộn
Bộ Quốc tịch và Nhập cư Canada (CIC) đã đặt ra thời hạn nộp hồ sơ và tài liệu nhằm đẩy nhanh quá trình nhập cư. Việc chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ hồ sơ bị từ chối. Chính vì vậy, ứng viên cần nắm rõ cách thức và thời gian thu thập tài liệu, hoàn thành mẫu đơn và nộp hồ sơ để không đánh mất cơ hội. Trong một số trường hợp, nếu muốn CIC gia hạn thời gian chuẩn bị hồ sơ, người đứng đơn cần giải thích rõ nguyên nhân chậm trễ cũng như xuất trình các tài liệu làm bằng chứng.
Cân nhắc lại hồ sơ
Nhìn chung, các quy trình và thủ tục tại CIC thường khá đơn giản và nhất quán. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, văn phòng thị thực có thể từ chối hồ sơ do các nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan.
Để giảm thiểu khả năng này xảy ra, ứng viên có thể sử dụng dịch vụ của các luật sư di trú. Luật sư có thể hoàn thành một hồ sơ tương tự dựa trên các tiền lệ trước đó hoặc hồ sơ giống với trường hợp thân chủ của mình, và sau đó đại diện cho người nộp đơn xin tái xét duyệt hồ sơ.
Không nộp kèm đầy đủ tài liệu
CIC quy định rất rõ ràng về danh mục văn bản và tài liệu cần nộp trong một bộ hồ sơ, đồng thời có một mã số theo dõi trong quy trình hoàn tất hồ sơ. Người đứng đơn cần thu thập đủ các tài liệu này và nộp đến văn phòng CIC theo đúng mã số theo dõi. Sơ suất trong quá trình nộp hồ sơ có thể dẫn đến việc hồ sơ bị từ chối.
Nộp hồ sơ khi chưa nắm rõ điều kiện chương trình
Canada cung cấp hơn 60 chương trình nhập cư khác nhau. Các yếu tố như tuổi tác, trình độ học vấn, giá trị tài sản, nghề nghiệp và kinh nghiệm làm việc của người đứng đơn có thể quyết định việc người đó có đủ điều kiện nộp hồ sơ cho một, nhiều hơn một hoặc không đủ điều kiện của bất cứ chương trình nào. Việc không xem xét kỹ các tiêu chí của một chương trình nhất định có thể khiến ứng viên hiểu nhầm rằng mình đủ điều kiện tham gia nhưng thực tế không phải như vậy. Ứng viên cần xem xét kỹ điều kiện bản thân và đối chiếu với các tiêu chí của chương trình, từ đó đưa ra đánh giá chính xác nhất, đảm bảo khả năng thành công của hồ sơ.
Nguồn: https://gocanada.vn