Hai năm đi học tại Úc: Chia sẻ của một cựu du học sinh đại học Melbourne - Chương 2 - Phần 4

Đăng ký tài khoản

Cảm ơn bạn đã đăng ký!

Success
Mục lục
    Sẽ có bạn khi đọc hành trình du học này của tôi sẽ không khỏi ngạc nhiên, vì có vẻ như tôi khá “sướng” vì chưa nói đến chuyện kiếm tiền. Thật lòng chia sẻ là nhờ học bổng mà trong suốt thời gian đi học, tôi không bị quá lo lắng về việc kiếm tiền. Tuy nhiên, đến khi còn một bài cho môn cuối và cũng đang là thời gian mà mọi cam kết cho các công việc tình nguyện đang giảm xuống, tôi bắt đầu suy nghĩ “ahihi, kiếm tiền để đi chơi thôi” hoặc chí ít khi quay trở về, trong lúc đi phỏng vấn xin việc thì mình cũng không quá lo lắng. Và công cuộc kiếm việc và kiếm tiền bắt đầu!



    Phần 3: Thực tập

    Phần 4. Kiếm việc và kiếm tiền

    Tuy nhiên, trước khi đi vào “kể lể” về chuyện kiếm việc và đi làm, tôi muốn cho mọi người một số thông tin như sau:

    - Mức lương tối thiểu cho 1 giờ làm tại Úc là AUD 18.29. Tuy vậy, du học sinh thường chỉ nhận được từ 8 đến 10 đồng cho một giờ làm tại các nhà hàng (châu Á), hay các cửa hàng. Mức lương tối thiểu chỉ có thể xảy ra khi công ty đó ký hợp đồng và trả tiền qua tài khoản ngân hàng.
    - Việc du học sinh qua đây đi làm và bị chủ lao động bóc lột là chuyện như cơm bữa.
    - Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu có cung – có cầu, rất khó để chỉ trích các ông chủ nhà hàng nếu các bạn sinh viên không đồng lòng phản đối.

    Tuy vậy, sự việc cũng rất khó ở chỗ có rất nhiều bạn cần kiếm tiền để chi trả việc học hay ăn ở tại đây và nếu bạn ko làm thì sẽ có người khác chấp nhận làm, và không chỉ có SV VN mà còn có SV từ các nước khác như Mã Lai hay Ấn Độ.

    Ở bài chia sẻ này, tôi không tranh luận hay đưa ra giải pháp hay chỉ trích về vấn đề này vì nó rất khó và bản thân tôi chưa có đủ cái nhìn đa chiều. Tôi sẽ chủ yếu chia sẻ chuyện kiếm việc và kiếm tiền ở đây của tôi. Trang website “Hội sinh viên Việt Nam tại Melbourne” có rất nhiều post tuyển người. Việc đầu tiên của cái hôm định mệnh “ahihi, kiếm việc để kiếm tiền đi chơi” là tôi lên trên đó. Post đầu tiên là tìm người đi hái táo. Tôi gọi điện thoại thì nghe được những thông tin sau:

    - Thời gian: đón tại Footscray lúc 5am, đến nơi làm lúc 7am, làm tới 5pm thì về lại.
    - Tính tiền nguyên ngày là khoảng 145 đô (đã có trừ 15 phút nghỉ ăn trưa).
    - Tiền travel hằng ngày là 15 đô
    Tôi làm phép tính nhanh thì thấy cộng cả thời gian di chuyển (là 4 tiếng) thì mỗi tiếng tôi kiếm được 9 đô hơn một chút. Rồi khi nghe kể là làm ở farm táo rất nắng nóng thì tôi hoàn toàn không có ý định làm farm táo nữa.

    Thông tin thứ hai là làm cho một cửa hàng sushi. Tôi gọi điện thoại và chị chủ nói tôi là họ cần người làm full từ thứ 2 đến thứ 6, từ 9am đến 3pm. Mới nghe, tôi thấy rất okay, tôi nói là tôi sẵn lòng làm full như thế, và chị chủ nói là “vì visa của tôi là student visa nên tôi sẽ không làm được trên 20 giờ một tuần”. Tôi cũng nói là đang break nên tôi nghĩ là không vấn đề gì thì chị bảo, chị cần người làm toàn thời gian luôn và phải dài hạn. Và thôi, thế là tạm biệt sushi.

    Thông tin tiếp là làm bánh mì và salad (kitchen hand) cho một cửa hàng lớn tại Melbourne Central. Sau khi điền form, chủ nhà hàng gọi điện thoại cho tôi và nói anh ta thích những câu trả lời trên form của tôi (1 số câu hỏi như vì sao bạn muốn đi làm, hay bạn có dự định gì cho năm tới hay điểm mạnh của bạn là gì….). Sau đó anh ta báo cho tôi quy trình tuyển dụng tại đây là tôi sẽ phải đến làm thử 3 tiếng và không được trả lương cho 3 tiếng đó, sau đó team (chủ yếu là chef) sẽ đánh giá và họ sẽ báo có tuyển tôi hay không. Ngay ngày hôm sau, tôi có mặt lúc 7am và bắt đầu vào làm. Chef của tôi là một phụ nữ Hàn Quốc nhìn khá trẻ (tôi đoán khoảng 25), bạn hướng dẫn tôi cách làm bánh mì Tây và Ta, bạn ấy làm mẫu 1 ổ hoặc cắt thử 1 lần, rồi yêu cầu tôi làm luôn. Sau từng bước, tôi sẽ báo với bạn và bạn sẽ hướng dẫn việc tiếp theo. Tuy nhiên, tôi cảm thấy bạn nói tiếng Anh hơi khó nghe nen lúc mới làm, tôi hơi chệch choạc, sau đó thì nhanh và thành thạo. Kết thúc ca làm 3 tiếng, tôi được phép chọn 1 món bánh mì và trao đổi thêm với supervisor hôm đó. Anh ta hẹn tôi là nếu trong 2 ngày không thấy cửa hàng gọi thì có nghĩa là tôi không được tuyển và chúc tôi may mắn. Tôi ra về, tràn đầy hy vọng vì tự tôi thấy đâu có việc gì mà ko bắt đầu khó khăn, nhưng tôi đã làm khá tốt và nhanh nhẹn nên tôi nghĩ sẽ ổn. Tuy thế, 2 ngày trôi qua và không có ai gọi cả!

    Trong lúc chờ cuộc gọi “định mệnh” thì tôi có tạt vào 1 quán Bún bò (khi thấy họ đang tuyển người) và đây là cuộc đối thoại:

    - Chào em, chị thấy nhà hàng đang tuyển người chạy bàn hả. Mình có còn cần người không?
    - Dạ, còn, chị đợi chút (em vào gọi 1 chị nào đó – nhìn lớn tuổi ra tiếp tôi)
    - Dạ, chào chị. Chị ơi, nhà hàng mình đang tuyển chạy bàn ạ? 
    - Ừ, em làm hả? Có kinh nghiệm gì không?
    - Dạ có mà ở VN (thoáng qua trong đầu tôi là lúc quán café tôi mới mở, tôi cũng phụ mấy em lấy order, bưng bê hay rửa ly chén). 
    - Ở VN khác bên này. Hay em làm phụ bếp đi?
    - Dạ, là làm gì chị? Em biết làm rau này nọ, chứ nấu nướng thì không rành lắm đâu ạ.
    - Vậy em làm được ngày nào?
    - Từ thứ 2 đến thứ 6 thì em okay hết ạ. Cuối tuần thì em không chắc lắm. 
    - Ở đây chỉ cần cuối tuần. Em muốn thì mai (thứ bảy) làm thử từ 9am đến 3pm, rồi chủ nhật và thứ hai từ 12pm đến đóng cửa. Em phải làm thử 1 tuần để chị xem em có làm được không.
    - Chị cho em hỏi là làm thử có lương không chi?
    - Có chứ em.
    -Vậy lương làm thử bao nhiêu ạ?
    - Ở đây không có ai nói cho em biết lương thử này nọ đâu. Em phải vào làm người ta mới biết em làm có tốt không. Vào làm thì phải thể hiện bản thân, phải chăm chỉ, chứ đừng làm hai bữa thấy cực mà nghỉ, bla bla… Chị chủ tiếp tục repeat thêm 1 lần nữa. Câu chuyện còn có cả phần chị comment về tôi như “nhìn em như mới qua nhỉ” (chắc nhìn ngô ngố hoặc để chị phủ đầu trước là tôi không có kinh nghiệm) hoặc chê bai bạn tôi “người Nha Trang gì mà chả biết” trong khi chính chị mới là người không biết Nha Trang đã thay đổi thế nào vì chị đi khỏi NT cách đây gần 30 năm và chị vẫn hỏi chúng tôi về những cửa hàng thời xưa lơ xưa lắc…Kết thúc câu chuyện, tôi cảm ơn và ra về, hẹn tối thứ 6 gọi điện confirm rằng tôi có làm hay không. 



    Một lần xin việc nữa tiếp tục khi một ngày khác, tôi đi ngang qua một cửa hàng cũng đang tuyển người. Tôi vào hỏi thì lần này anh chủ ra tiếp chuyện tôi, và trả lời rất đàng hoàng và nhẹ nhàng rằng họ đang cần người phụ bếp và họ trả 120 đô cho một ngày làm từ 10 am đến 10pm – nhưng trước khi về thì cần dọn dẹp sạch sẽ và có thể về lúc 10.30pm. Tôi thấy thiện cảm nên quay lại thử việc ngay ngày hôm sau. 

    Hai ngày thử việc đầu tiên của tôi trôi qua với việc tôi bắt đầu lúc 4pm và ngày nào cũng ra về lúc 11pm. Tôi được trả 120 đồng. Anh chủ nhà hàng nói tôi làm tiếp thử hai tuần sau, rồi sẽ cho tôi biết lịch làm việc mà họ cần tôi. Trong bếp ngoài anh chủ (là chef) thì có thêm 1 bạn sinh năm 1997, và đang học 1 năm tại RMIT ở đây. Bạn trai này người Hà Nội và nói chuyện khá nhỏ nhẹ. Tôi hỏi em làm mấy ngày ở đây và em làm lâu chưa thì em nói tôi, em mới làm được sáu tuần và em làm tất cả các ngày từ thứ 3 đến chủ nhật (quán đóng cửa vào thứ hai). Công bằng mà nói, anh chủ quán ở đây khá tốt, nhưng vì anh là chef, lại là chủ nên tâm lý sẽ là phải làm thật nhanh nhưng cũng có lúc chúng tôi chưa làm kịp hay, vì các order vào quá gấp, và đa dạng nên chúng tôi “chạy” không kịp thì vẫn bi la như thường. Chưa kể, tôi thường thấy em trai bị la, thì trong lòng cảm thấy khá xót (vì tôi thấy em rất ngoan), còn tôi lúc bị la thì thấy cũng “mệt” không kém. Quan điểm của tôi là nếu lỡ làm không đúng thì nhắc thôi, đừng cảm ràm vì nếu anh cứ càm ràm về 1 cái lỗi đó, và lúc đó chúng tôi đang cần tập trung qua bill khác thì cảm giác “sai trái” nó cứ ám ảnh và làm cả hai căng thẳng. 

    Câu chuyện đi làm - ở bất kỳ bối cảnh nào cũng mệt mỏi và căng thẳng – dù ở VN hay Úc, dù văn phòng hay tay chân. Khi tôi kể câu chuyện đi xin việc hay đi làm, thì có nhiều câu hỏi như sao không đi làm cho Tây, hay sao không xin làm văn phòng ấy, sao không blab la…. Tôi nghĩ là có rất nhiều yếu tố để có thể quyết định chuyện có thể kiếm được một cái job văn phòng, ví dụ như bạn là SV nhé và theo đúng luật, bạn không được làm trên 20h/ tuần và 1 số cty tuyển part-time nhưng yêu cầu bạn làm 25h/ tuần, hoặc skills họ cần thì bạn không có (vd như bạn là SV ngành xã hội, trong khi họ cần người biết làm lập trình hay engineering stuff), hoặc bạn chưa đủ giỏi để thắng trong vòng phỏng vấn, hoặc bạn thiếu may mắn khi họ chọn người nhà vào làm… Túm lại thì những quyết định mà chúng ta có đều dựa trên rất nhiều yếu tố, và cuộc đời đôi khi không như ta muốn bất kể ta kháng cự thế nào thì thứ duy nhất ta có thể làm là “linh hoạt”. 

    Khi quyết định viết về phần này, có bạn hỏi tôi “bạn có thấy quê không vì khi nói ra điều này, người ta sẽ nghĩ - ở VN bạn là cái gì đó, qua đây bạn vẫn phải đi làm phụ bếp?”. Tôi cảm thấy câu hỏi này hơi quá chú trọng đến thể diện, tôi thì vốn không quá quan trọng ai nghĩ gì về tôi vì tự tôi biết mình là người thế nào và như đã nói thì có rất nhiều thứ mà chúng ta không phải "cứ muốn là được". Ngoài ra, mục đích chính của tôi khi viết là “tôi muốn các em sinh viên, nếu có ý định đi du học thì em hãy hiểu rằng – du học không phải chỉ có màu hồng, mà nó có màu xám của những ngày cơ cực kiếm tiền, có màu đỏ của máu khi làm việc trong nhà bếp (tay tôi bây giờ vẫn đang có khoảng chục vết cắt ở gần hết các ngón tay hay bàn tay – hoặc tôi không đủ cẩn thận, nhưng nếu bạn làm bếp với những vật dụng nồi bếp to lớn, dao và đồ bào bén nhọn, bếp nóng có khoảng chục cái thì sẽ hiểu), có màu xanh của hy vọng vì bạn càng có quyết tâm học cho tốt, và có cả sao trăng cho những hôm “chạy” không kịp dừng để uống nước…”. Với tôi, tôi có mục tiêu kiếm tiền để tăng phần trải nghiệm khác nên tôi chưa bao giờ thấy có vấn đề gì với việc đi làm tay chân nếu đó là thứ lựa chọn duy nhất tôi có. Nói chung, trải nghiệm thì dù là thế nào, tôi cũng luôn trân trọng nó vì đó là thứ đã tạo nên 1 tôi như hôm nay!

    Phần 5. Hẹn hò ư? Chuyện nhỏ mà không nhỏ!
     
    Thu Hà
    (Recipient of Endeavor Scholarship)
    Thảo luận