Người ta thường nói khi một cánh cửa đóng lại, bạn nên suy nghĩ tích cực để thấy có một cánh cửa khác đang mở ra chờ đón bạn thành công. Cho dù cánh cửa đại học đóng lại thì vẫn còn nhiều cánh cửa khác mở ra để bạn theo đuổi ước mơ của mình. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn những hướng đi gợi ý mà bạn nên thực hiện trong trường hợp trượt đại học.
Trượt đại học không là gì quá to tát
Trượt đại học không là gì quá to tát
Không ai phủ nhận có bằng đại học sẽ giúp bạn thành công dễ dàng hơn. Tuy nhiên, có một sự thật khác là nhiều người thành công mà không sở hữu tấm bằng Đại học. Nổi tiếng nhất trong số đó là tổng thống Mỹ Abraham Lincoln. Sau năm đầu tiên đi học, ông quyết định tự học để trở thành Luật sư bằng cách nghiền ngẫm quyển Commentaries on the Laws of England của Blackstone. Trong thế giới thời trang có Coco Chanel, nhà sáng lập của hãng thời trang và một dòng nước hoa cùng tên, cũng đã giúp thương hiệu này tỏa sáng thế giới mà không cần học Đại học. Thậm chí có nhiều tên tuổi còn bỏ ngang việc học phổ thông như Simon Cowell, người sáng lập ra các chương trình truyền hình thực tế như American Idol, The X Factor và Britain’s Got Talent hay ông chủ của McDonald’s, Ray Kroc.
Còn ở Việt Nam, có thể điểm mặt 5 “anh tài” tỷ phú không học Đại học là ông Đoàn Nguyên Đức (chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai) với tài sản hơn 7.000 tỷ đồng cổ phiếu, ông Lê Phước Vũ (chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen), ông Dương Ngọc Minh (chủ tịch Thủy sản Hùng Vương, tài sản 810 tỷ đồng), bà Chu Thị Bình - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc MPC và bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai (top 15 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2012),…
'Tôi không có bằng Đại học nhưng 10 nghìn cử nhân làm việc cho tôi' - Bầu Đức
Tất nhiên việc kể tên những tấm gương làm giàu ở trên không phải để khuyến khích bạn rớt Đại học mà chỉ để chỉ ra rằng bạn vẫn hoàn toàn có thể thành công bằng việc đi những con đường khác.
Những hướng đi khác nếu rớt đại học
Luyện thi lại hoặc chọn học nghề
Nếu bạn thật sự muốn theo đuổi chương trình đại học ở trường mình yêu thích tại Việt Nam thì quyết định dành một năm sau để luyện thi lại là hợp lý. Bạn không nên đặt nặng vấn đề đi nhanh hay chậm với bạn bè cùng trang lứa mà cần đề cao việc đi đúng hướng hơn cả. Nếu học đại học ở Việt Nam đúng với lộ trình bạn vạch ra cho con đường học vấn của mình thì có chậm một chút cũng không sao. Đó là chưa kể việc học lại hứa hẹn sẽ đem lại kết quả thi tốt hơn vì bạn có nhiều thời gian để ôn luyện cho những môn thi hơn là lúc vẫn còn học cấp ba. Bạn cũng sẽ có thời gian để cân nhắc về các lựa chọn tương lai của mình nhằm đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Nếu bạn không muốn tốn thời gian 1 năm để thi lại thì phương án học nghề là phù hợp. Chương trình học nghề không yêu cầu điểm đầu vào nghiêm ngặt như các chương trình chính quy. Bạn đừng nên xem nhẹ việc học nghề cũng như những bạn chọn con đường này vì nếu xã hội chỉ toàn Cử nhân hay Tiến sĩ thì sẽ không thể vận hành một cách trơn tru. Một số lựa chọn học nghề có thể đem đến thu nhập tốt trong thị trường lao động khắc nghiệt hiện nay như các nghề liên quan đến chăm sóc sức khỏe (huấn luyện viên cá nhân, huấn luyện viên yoga), chăm sóc sắc đẹp (chuyên viên trang điểm, làm tóc, chăm sóc da,…), sửa chữa (điện thoại, xe máy, ô tô,…), dịch vụ du lịch (nấu ăn, pha chế,…). Những lĩnh vực kể trên đều đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết trong xã hội nên bạn sẽ dễ dàng tìm việc sau khi hoàn tất khóa học nghề.
Tham gia vào các chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam
Các chương trình quốc tế có quy trình tuyển sinh khác với hệ thống đại học quốc gia nên nếu gia đình bạn có điều kiện thì có thể cân nhắc lựa chọn này để sở hữu bằng cấp quốc tế sau khi tốt nghiệp và không phải chờ đến năm sau để thi lại. Điểm trừ của lựa chọn này chỉ nằm ở chỗ học phí cực kỳ đắt đỏ không phù hợp với số đông. Nhưng nếu có điều kiện thì bạn sẽ có vô vàn lựa chọn để đáp ứng nhu cầu của bản thân, đặc biệt là bạn sẽ không cần phải học những môn nhàm chán ở các chương trình đại học chính quy. Nếu bạn có tiếng Anh chưa đủ chuẩn thì vẫn có thể tham gia chương trình bổ túc tiếng Anh tại trường. Có rất nhiều chương trình và ngành nghề cho bạn lựa chọn và có thêm cơ hội chuyển tiếp sang các quốc gia khác ở các năm cuối:
- Cử nhân quản trị kinh doanh liên kết 2+2 giữa TRU (Canada) và UFM
- Cử nhân kinh doanh liên kết giữa Đại học HELP và Đại học UFM
- Cử nhân quản trị kinh doanh và du lịch liên kết giữa Đại học UCSI (Malaysia) và UFM
Chuẩn bị hành trang du học
Học tập ở một đất nước xa lạ không phải là hành trình đơn giản chỉ có đến trường rồi về nhà như học trong nước mà còn có nhiều vấn đề khác như khác biệt văn hóa, bất đồng ngôn ngữ, gánh nặng tài chính, khả năng thích nghi, cuộc sống tự lập, vân vân. Để du học thành công, bạn và gia đình cần dành nhiều thời gian tra cứu thông tin để lựa chọn ngành học, địa điểm học và trường học phù hợp với sở thích cũng như ngân sách của mình. Từ đó bạn còn phải đưa ra kế hoạch chuẩn bị cụ thể để có thể đạt được mục tiêu đề ra. Càng dành nhiều thời gian chuẩn bị cho việc du học thì hành trình du học của bạn càng trở nên suôn sẻ hơn.
Không có lựa chọn nào an toàn tuyệt đối mà sẽ luôn tồn tại những rủi ro cũng như cơ hội nhất định. Việc cân nhắc chọn lựa hướng đi cho mình là một trong những bước đầu tiên bạn cần làm trong hành trình trưởng thành của mình. Dù lựa chọn của bạn là gì thì chúng tôi vẫn xin chúc bạn sẽ đạt được những gì mình mong muốn.