Lý lịch tư pháp số 2 là gì?
Hiểu ngắn gọn, Lý lịch tư pháp là một tài liệu do Sở tư pháp phát hành nhằm cung cấp các thông tin cơ bản về một người, chứng minh họ không có án tích, lý lịch có sạch hay không...Hiện đang có 2 loại lý lịch là Lý lịch tư pháp số 1 và Lý lịch tư pháp số 2.
- Phiếu lý lịch tư pháp số 1: là phiếu cấp cho cá nhân hoặc cơ quan, hay tổ chức theo quy định của Khoản 1 và 3 của Điều 7 của luật về lý lịch tư pháp.
- Phiếu lý lịch tư pháp số 2: lại là loại phiếu cấp cho cơ quan tố tụng hoặc theo từng yêu cầu của cá nhân để người đó nắm được nội dung về Lý lịch tư pháp của bản thân (theo quy định của Khoản 2, Điều 7, luật về lý lịch tư pháp)
Xóa án tích trong lý lịch tư pháp số 2
Nguồn: Phúc Lương An, Nhóm: Canada - Cần gì nói
Có rất nhiều bạn hiểu chưa đúng về vấn đề xoá án tích khi xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 nên dẫn đến hành động sai và hậu quả sẽ có thể phải trả bằng rất nhiều tiền, nguy hại hơn là ảnh hưởng trực tiếp hồ sơ pháp lý của bạn khi bị phát hiện.
Về án tích, đây là một trong những quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bị kết án vì trong một số trường hợp nếu người phạm tội đã bị kết án, thuộc trường hợp có án tích nhưng chưa được xóa là một trong những cơ sở để định tội; để xem xét tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt trong một số tội phạm hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015.
“Xoá án tích” theo quy định tại Khoản 1 Điều 69 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 được hiểu là: “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”, tức khi bạn được xoá án tích thì những quy định trên sẽ không ảnh hưởng đến nhân thân của bạn nếu bạn tiếp tục bị xử lý hình sự.
Bộ luật hình sự 2015 cũng đã bỏ đi quy định về việc phải “được Tòa án cấp giấy chứng nhận” như trong BLHS trước đây. Với quy định mới này, BLHS năm 2015 đã giải quyết được những khó khăn đối với người chấp hành xong bản án; rút bớt các thủ tục, đồng thời chuyển trách nhiệm cập nhật thông tin về án tích của người bị kết án sang cho các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (khoản 4 Điều 70).
Và khi bạn yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì tại Mục 12 của phiếu vẫn ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án (theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 43 Luật lý lịch tư pháp năm 2009). Chứ không như nhiều bạn hiểu khi được xoá án tích và đã làm thủ tục xoá án tích là trong Mục số 12 của Phiếu số 2 ghi “không có án tích”, đó là cách hiểu sai, không đúng với quy định của Luật lý lịch tư pháp.
Từ cách hiểu chưa đúng này mà rất nhiều bạn đã tìm mọi cách và tốn rất nhiều tiền để được ghi nội dung “không có án tích”. Xin được khẳng định bạn đang làm trái quy định pháp luật và làm được điều đó chỉ có 02 đối tượng: 1. Tổ chức, cá nhân làm giả giấy tờ cơ quan nhà nước; 2. Vẫn do Sở tư pháp cấp nhưng họ nhận tiền, họ biết thông tin, nhưng ko cập nhật, cấp sai quy định.
Còn hậu quả việc sử dụng giấy tờ sai quy định thì các bạn đã rõ, nhất là ở nước ngoài.
Lời khuyên dành cho bạn
- Đối với các bạn có án tích thì nên xin cấp phiếu sớm vì thời gian xác minh rất lâu và khi nộp hồ sơ nhớ nộp kèm theo: bản án, quyết định thi hành án, giấy chấp hành xong hình phạt, biên lai nộp tiền... như thế họ sẽ đỡ mất thời gian xác minh (do hiện nay chưa đồng bộ dữ liệu lý lịch tư pháp trong cả nước).
- Đừng nghe bất kỳ cá nhân, tổ chức nào nói sẽ ghi “Không có án tích” tại Mục 12 phiếu số 2 nếu bạn đã có tiền án, tiền sự.
Hãy tìm hiểu kỹ, tránh tiền mất, tật mang!